Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc về chất lượng tăng trưởng, giảm dần động lực tăng trưởng bề rộng. Cụ thể: GDP tăng 6,42%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,55%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%; khu vực dịch vụ chiếm 43,35%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,66%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67%; chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ (năm trước giảm 2,2%). Cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3%; rút lui khỏi thị trường là 110,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,4% so cùng kỳ 2023. Bình quân một tháng có 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động và gần 18,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước tăng 8,6% (loại trừ yếu tố giá tăng 5,7%). Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính đến thời điểm 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% (khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 166,79 tỷ USD, chiếm 87,7%. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17,0% (khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%); nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 167,73 tỷ USD, chiếm 94%.
Để thu hút các tập đoàn lớn, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều hành động thiết thực, hiệu quả, như thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp về thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp:
- Hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ
- Các chương trình và dự án quốc gia
- Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ
- Nguồn nhân lực
- Huy động các nguồn lực quốc tế
Đặc biệt, Việt Nam có động lực và triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực và đang thu hẹp khoảng cách với các nước khu vực, cải thiện vị thế quốc tế: Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 4 năm 2024, Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 đến 2029 và sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đặt đất nước vào hàng ngũ các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Theo WB công bố sáng 1/4/2024, Việt Nam được giữ nguyên dự báo mà WB đã công bố đầu năm là sẽ tăng trưởng 5,5% GDP trong năm 2024 và tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn, nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao với tiềm năng tăng trưởng khoảng 8%.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEP…) với trên 60 quốc gia, đối tác lớn trên toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.