The Economist: Kinh tế thế giới suy thoái vẫn chưa ngăn được lạm phát
The Economist: Kinh tế thế giới suy thoái vẫn chưa ngăn được lạm phát
Toàn cầu đã phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế suy giảm để kìm lạm phát nhưng theo phân tích của The Economist, lạm phát vẫn rất “cứng đầu”.
Từ đầu tháng 10, các nhà đầu tư đón nhận vài tin tốt. Chứng khoán châu Âu khởi sắc khi những người lạc quan cho rằng nơi đây trước mắt tránh được khủng hoảng năng lượng. Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ thông tin nước này có thể điều chỉnh chính sách chống dịch và nới lỏng các hạn chế với bất động sản. Hôm 10/11, khi có tin lạm phát Mỹ thấp hơn một chút so với dự báo, Nasdaq tăng 7% do các nhà đầu tư dự báo Fed sẽ tăng lãi suất ít hơn.
Tuy nhiên, The Economist cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu trên thực tế đã trở nên u ám trong những tuần gần đây, khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lại làn sóng tăng giá hiếm có. Ngay cả với Mỹ, vẫn có rất ít bằng chứng cho thấy lạm phát bị đánh bại. Ở nhiều nơi trên thế giới, nó vẫn đang mở rộng.
Trong phần lớn năm nay, thế giới đã lo lắng về một cuộc suy thoái. Vào tháng 6, lượt tìm kiếm từ khóa “recession” (suy thoái) trên Google cao kỷ lục. Nhưng thực tế, sản lượng ở các nước giàu trung bình đã tăng khoảng 1,3% từ cuối năm 2021 đến quý III năm nay, mức tăng trưởng không ngoạn mục, nhưng không tệ.
Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong OECD – nhóm chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu – đã giảm gần một điểm phần trăm. Tỷ lệ thất nghiệp ở eurozone thấp nhất mọi thời đại. Chi tiêu của người tiêu dùng rất mạnh, với các khách sạn, máy bay và nhà hàng chật cứng khắp thế giới.
Phải đến bây giờ, chi phí vay cao hơn mới bắt đầu tạo thách thức. Ở nhiều nước như Canada và New Zealand, giá nhà đang giảm khi người mua phải đối mặt với các khoản vay ngày càng đắt đỏ. Các công ty cũng đang kiềm chế chi tiêu.
Trong báo cáo chính sách tiền tệ mới nhất, Ngân hàng trung ương Anh lưu ý rằng tài chính đắt đỏ hơn đang khiến các nhà đầu tư cân nhắc hơn. Fed đánh giá đầu tư của doanh nghiệp “đã bắt đầu phản ứng với việc thắt chặt các điều kiện tài chính”.
Một người tiêu dùng lựa chọn trái cây tại Nice, Pháp ngày 7/6. Ảnh: Reuters
Các điều kiện kinh tế đang bắt đầu xấu đi theo thời gian thực khi nhìn vào “Chỉ số hoạt động hiện tại” – thước đo sức khỏe kinh tế hàng tháng của Goldman Sachs. Tháng trước, lần đầu tiên kể từ 2020, tăng trưởng các nước giàu bị thu hẹp. Tương tự, khảo sát nhà quản trị mua hàng (PMI) ghi nhận sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020.
Những người lạc quan thì nhìn vào yếu tố mạnh mẽ của thị trường lao động. Dù chậm lại một chút, Mỹ vẫn bổ sung hơn 250.000 việc làm trong tháng 10. Tuy nhiên, ở những nơi khác, các dấu hiệu suy yếu đang xuất hiện.
Nghiên cứu quy luật đã diễn ra từ năm 1950 đến nay, Nhà kinh tế Claudia Sahm, Quản lý Sáng kiến Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô của Viện Gia đình Jain (Mỹ) đúc kết rằng một cuộc suy thoái cận kề khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng qua tăng ít nhất 0,5 điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong năm trước.
Hiện 8 trong 31 nước giàu có dấu hiệu này, bao gồm Đan Mạch và Hà Lan. Đây không phải là tỷ lệ cao so với thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, nhưng nó báo hiệu sự chậm lại nghiêm trọng đang diễn ra.
Nhìn chung, các quốc gia khác nhau tiến đến suy thoái với tốc độ khác nhau. Ngoài Mỹ, một số nơi như Australia, Tây Ban Nha vẫn tăng trưởng khá. Nhưng Thụy Điển, nơi lãi suất cao làm tổn hại đến thị trường nhà đất, đang mất đà nhanh chóng. Anh gần như chắc chắn rơi vào suy thoái. Tại Đức, giá năng lượng cao buộc các ngành công nghiệp phải đóng cửa.
Cả lý thuyết và dữ liệu kinh tế trong bảy thập kỷ qua đều cho thấy GDP giảm có liên quan đến giảm tốc độ tăng giá cả. Nhưng độ trễ giữa chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn và lạm phát thấp hơn vẫn chưa được hiểu rõ. Các ngân hàng trung ương có thể phải gây ra nhiều đau đớn hơn những gì họ dự đoán hiện tại.
Ở một số quốc gia, giá năng lượng và lương thực thấp hơn đang giúp kéo lạm phát chung đi xuống. Số liệu tháng 10 của Mỹ tốt hơn dự kiến của các nhà kinh tế. Tuy nhiên, nhìn chung, giá cả không đi theo hướng mà các ngân hàng trung ương mong muốn. Lạm phát vẫn còn gây bất ngờ, khi dữ liệu được báo cáo cao hơn dự báo ở hầu hết nước phát triển.
Hầu hết mọi nơi, lạm phát “lõi” – vốn phản ánh tốt được thực tế, đang tăng lên. Xét theo ba chiều – chiều rộng, tiền lương và kỳ vọng – lạm phát ở các nước giàu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn chứ không ít hơn.
Đầu tiên là chiều rộng. Khi lạm phát bắt đầu gia tăng vào năm ngoái, nó chỉ giới hạn với một số lượng nhỏ hàng hóa và dịch vụ. Ở Mỹ, đó là những chiếc xe đã qua sử dụng. Ở Nhật Bản là thức ăn. Ở châu Âu là năng lượng. Điều này tạo ra sự thoải mái giả tạo, nhiều chuyên gia cho rằng một khi giá cả ngừng tăng ở một số thành phần này, lạm phát tổng thể sẽ giảm.
Nhưng thực tế, lạm phát đã lây lan. The Economist đã phân tích giỏ hàng tiêu dùng của 36 nước giàu. Vào tháng 6/2021, 60% giá trong giỏ đã tăng hơn 4% so với cùng kỳ 2020. Con số hiện tại là 67%. Ngay cả ở Nhật Bản, nơi có lạm phát thấp, giá của một phần ba giỏ hàng đang tăng hơn 4%. Việc mở rộng này một phần là do USD mạnh lên bất thường, làm tăng lạm phát hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, phần lớn vẫn xuất phát từ các lý do trong nước.
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa Thời báo Tài chính Việt Nam
Đây là lúc khía cạnh thứ hai – tiền lương – xuất hiện. Xu hướng tiền lương cho thấy con đường lạm phát trong tương lai. Khi chi phí lao động tăng lên, các công ty chuyển chúng sang cho khách hàng dưới dạng giá cao hơn. Những người lạc quan về lạm phát chỉ ra dữ liệu từ Mỹ, nơi việc tăng lương chậm lại. Tăng trưởng lương ở Anh dường như cũng đạt đỉnh với tốc độ cao nhưng không còn tăng nữa.
Tuy nhiên, những nơi khác không như vậy. Nghiên cứu từ trang việc làm Pawel Adrjan of Indeed và Reamonn Lydon của Ngân hàng Trung ương Ireland cho biết mức lương danh nghĩa trong các tin tuyển dụng ở eurozone đang tăng hơn 5% và vẫn tiếp tục tăng tốc.
JPMorgan cho rằng lạm phát tiền lương của Pháp còn tăng nữa. Tại Đức, Ig Metall – công đoàn lớn dành cho công nhân kỹ thuật và kim loại, đang tìm cách tăng lương lên tới 8%. Ở New Zealand, Na Uy và Thụy Điển, tốc độ tăng lương vẫn đang cao hơn.
Khía cạnh thứ ba là kỳ vọng. Công ty tư vấn Alternative Macro Signals phân tích hàng triệu bài báo bằng nhiều ngôn ngữ thông qua một mô hình để xây dựng “Chỉ số áp lực lạm phát tin tức”. Chỉ số này, đã được chứng minh là một công cụ dự đoán tốt về các con số chính thức, vẫn tăng.
Tương tự, các phép đo kỳ vọng dựa trên khảo sát không cung cấp bằng chứng về lạm phát suy yếu. Các số liệu được tổng hợp bởi Cleveland Fed, Morning Consult, và Raphael Schoenle của Đại học Brandeis đánh giá kỳ vọng lạm phát của công chúng ở các quốc gia giàu có khác nhau.
Khảo sát vào tháng 10 của Fed Cleveland , Morning Consult, và Raphael Schoenle của Đại học Brandeis, cho biết công chúng tại các nước giàu cho rằng giá cả sẽ tăng 5% trong năm tới. Khảo sát của Fed Cleveland cho biết các công ty Mỹ kỳ vọng lạm phát là 7% trong năm tới, cao nhất kể từ 2018.
Năm qua, ít nhà kinh tế hiểu rõ về lạm phát, bao gồm nguyên nhân và điều gì khiến nó tồn tại. Do đó, có khả năng họ cũng sẽ gặp khó trong việc dự đoán khi nào lạm phát hạ nhiệt. Nhiều khả năng lạm phát sẽ “cứng đầu” ngay cả khi nền kinh tế chậm lại. Nó sẽ khiến nhà quản lý đứng trước lựa chọn nghiệt ngã: siết chặt thêm nền kinh tế đã khó khăn, hoặc để giá cả tăng vọt.